Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã ký gửi công văn cho Bộ VH-TT-DL,ìsaonghềđanvõngngôđồnglàmnhàtređượcđềxuấtthànhdisảxvideo đề nghị đưa nghề đan võng ngô đồng, làm nhà tre, dừa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An), phản ánh lịch sử hình thành, phát triển làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở xã Cẩm Thanh nói riêng và đô thị, thương cảng Hội An nói chung.
Dựa vào nguồn vật liệu sẵn có, cư dân địa phương nơi đây đã sáng tạo nên những tri thức liên quan đến việc gia công, lắp dựng nhà tre, dừa phù hợp với điều kiện, môi trường sống. Phương thức làm nhà tre, dừa mang đặc trưng riêng của vùng đất Hội An mà không phải nơi nào cũng có được.
Ngoài ra, nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh đã hình thành nên một hệ thống tri thức dân gian đồ sộ trong quy trình khai thác, chế tác, lắp dựng, tiêu thụ.
Trong đó, quy trình xử lý, gia công nguyên liệu và lắp dựng nhà hiện đang là cơ sở quan trọng để hình thành phát triển và duy trì nghề truyền thống của địa phương, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất, đảm bảo đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Đáng nói, sự tồn tại và phát triển của nghề làm nhà tre, dừa thể hiện khả năng thích ứng của người dân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nên cơ sở dữ liệu khoa học cho việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể phục vụ công tác bảo vệ phát huy di sản văn hóa nghề truyền thống tại địa phương nói riêng, Hội An nói chung.
Đây cũng là kiểu mẫu phản ánh chân thực nhất về làng quê, làng nghề truyền thống còn được bảo tồn phát huy tốt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế...
Ngoài việc sử dụng các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của nghề trong lao động sản xuất, gìn giữ và phát huy, Di sản văn hóa phi vật thể của nghề làm nhà tre, dừa còn được trình diễn tại chỗ để phục vụ cho du khách tham quan, phục vụ trong các hoạt động lễ hội, xúc tiến du lịch, làng nghề truyền thống, triển lãm trưng bày các làng nghề lớn…, góp phần thúc đẩy sự phát triển làng nghề.
Nghề truyền thống đặc trưng
Nghề đan võng ngô đồng xã Tân Hiệp (TP.Hội An) đã tồn tại và phát triển ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm trong nhiều thế kỷ qua. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Cù Lao Chàm, trong đó ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của người dân xứ đảo.
Sản phẩm của nghề là kết quả của quá trình lao động và sáng tạo liên tục của cư dân nơi đây.
Trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, những chiếc võng ngô đồng truyền thống đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của đảo Cù Lao Chàm, là một thành tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cư dân địa phương.
Sản phẩm nghề đan võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch gắn với quảng bá, giới thiệu nghề đan võng ngô đồng trong thời gian gần đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp.
Phát triển du lịch văn hóa, trong đó có hoạt động trải nghiệm nghề đan võng ngô đồng đem lại nguồn lợi cho địa phương, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc...
Có thể nói, nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm là nghề truyền thống đặc trưng của địa phương nói riêng, của dân tộc nói chung. Những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VH-TT-DL đưa nghề đan võng ngô đồng, làm nhà tre, dừa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.